Quản lý dự án ODA ( Vốn viện trợ phát triển chính thức : Official Development Assistance )

     
Quản lý dự án ODA ( Vốn viện trợ phát triển chính thức : Official Development Assistance ) từ góc nhìn đạo đức nghề nghiệp
Sau vụ việc tiêu cực ở PMU18, trong việc quản lý các dự án ODA ( Official Development Assistance ) nói riêng và tất cả các dự án đầu tư nói chung, chúng ta không thiếu các văn bản quy định, chỉ có điều chúng lại thường rườm rà mà thiếu chặt chẽ; cái nọ đá cái kia; cái sau đá cái trước. Cái thiếu lớn nhất chính là “đạo đức nghề nghiệp” thể hiện ở sự lành nghề trong chuyên môn và trong sáng về đạo đức, đó chính là yếu tố con người
Hiện nay, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA được quy định bởi Nghị định 17/2001 của Chính phủ. Tuy nhiên, phạm vi của Nghị định này là các nguồn vốn ODA không hoàn lại hoặc ODA vay ưu đãi có yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 25%. Các nguồn vốn này chủ yếu dành cho xoá đói, giảm nghèo, cải cách hành chính…, còn nguồn vốn vay ODA cho xây dựng cơ bản hiện nay như đường, nguồn điện… chiếm tỷ trọng rất lớn lại là vốn vay ODA không có yếu tố không hoàn lại.
Nghị định 16/2005 của Chính phủ quy định thực hiện theo điều ước quốc tế về vay vốn ODA (hiệp định vay vốn) nếu nhà tài trợ có quy định khác với quy định trong nước. Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1/4/2006 cũng đã nói rõ với dự án sử dụng vốn ODA, việc đấu thầu được thực hiện trên cơ sở nội dung điều ước quốc tế đã ký. Như vậy, các quy định của nhà tài trợ có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các dự án vay vốn ODA ở Việt Nam.
Tham khảo quy định của các nhà tài trợ ODA lớn cho Việt Nam vừa qua như Ngân hàng Thế giới ( World Bank ), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JBIC), chúng ta thấy đều có một quy định chung, xuyên suốt quá trình thực hiện dự án từ lúc ký hợp đồng vay vốn cho đến khi đấu thầu, ký kết hợp đồng và thi công, rất ngắn gọn và dễ hiểu là: Ngân hàng yêu cầu các bên tham gia phải thể hiện ở mức cao nhất về đạo đức nghề nghiệp và ngân hàng sẽ không công nhận kết quả đấu thầu cũng như hợp đồng đã ký bất kỳ lúc nào nếu phát hiện có gian lận và tham nhũng. Như vậy có nghĩa là họ đề cao vấn đề “đạo đức nghề nghiệp” vốn ngày càng cao ở các nước phát triển còn ở Việt Nam có vẻ ngày càng đi xuống.
Thực tế thực hiện các dự án vay vốn ODA ở nước ta vừa qua có thể chia làm 2 dạng: thứ nhất là đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà thầu (như các dự án giao thông), thứ hai là đấu thầu quốc tế (như các dự án nguồn điện).
Nếu ai đã từng tham quan các dự án mà các nhà thầu quốc tế thi công, nhất là các nhà thầu Nhật Bản, đều có thể nhận thấy một điều là vấn đề chất lượng luôn được họ đặt lên hàng đầu cùng với các vấn đề về môi sinh, môi trường. Kèm theo đó là những yêu cầu một cách sòng phẳng với tư vấn và chủ đầu tư về trách nhiệm trong hợp đồng. Chẳng hạn nếu chủ đầu tư không bàn giao mặt bằng đúng hạn, hay chậm thanh toán,… đều bị nhà thầu quy thành tiền ( và thường giá trị rất lớn ).
Do vậy, ở các dự án này, với “đạo đức nghề nghiệp” vốn có của các nhà thầu quốc tế, tư vấn cũng như chủ dự án lúc nào cũng phải chịu sức ép về trách nhiệm hợp đồng nên “đạo đức xấu” không có đất phát huy. Các nhà thầu phụ Việt Nam trong hoàn cảnh đó cũng đã dần “lớn lên”, dù lợi nhuận không nhiều nhưng được học hỏi ngay trên nước mình mà không phải trả tiền học phí quả cũng là xứng đáng.
Trở lại các dự án ODA đấu thầu trong nước, tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu, các công ty sân sau trong thi công vẫn còn phổ biến; tình trạng nhà thầu phải cung phụng tư vấn hay chủ đầu tư vẫn còn và các chi phí đó sẽ được đền bù gấp nhiều lần bằng các chi phí phát sinh hay ăn bớt vật liệu dẫn tới làm giảm chất lượng công trình. Việc kiểm tra, kiểm soát của các nhà tài trợ không thường xuyên được vì họ không có đủ người, mặt khác chắc chắn họ đánh giá cao “đạo đức nghề nghiệp” của cả chủ dự án, tư vấn và nhà thầu Việt Nam ( vì thế nên họ mới cho vay! ).
Sau vụ việc tiêu cực ở PMU18, theo tôi, trong việc quản lý các dự án ODA nói riêng và tất cả các dự án đầu tư nói chung, chúng ta không thiếu các văn bản quy định, chỉ có điều chúng lại thường rườm rà mà thiếu chặt chẽ; cái nọ đá cái kia; cái sau đá cái trước giống như siêu thị vậy. Cái thiếu lớn nhất chính là “đạo đức nghề nghiệp” thể hiện ở sự lành nghề trong chuyên môn và trong sáng về đạo đức, đó chính là yếu tố con người.
Ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, chức vụ càng cao càng phải làm việc nhiều và trách nhiệm lại càng lớn, đạo đức nghề nghiệp thể hiện cả trong xử lý công việc hàng ngày và cả cách ứng xử khi có vụ việc xảy ra, “từ chức” là việc thường thấy ở họ.
Còn ở Việt Nam, cán bộ càng lên cao càng có quyền, có tiền và càng gần những cám dỗ; thời gian cho công việc càng ít đi, thời gian giao lưu, hội họp, nhậu nhẹt càng nhiều, do vậy đạo đức nghề nghiệp có xu hướng ngày càng xuống cấp.
Đã là yếu tố con người thì cần phải bắt đầu từ khâu giáo dục và đào tạo; tuyển dụng và bổ nhiệm; phê bình và tự phê bình; khen thưởng và kỷ luật. Tôi rất đồng ý với GS Hoàng Tụy rằng Đảng đã lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam thì chính Đảng phải dũng cảm phải chịu trách nhiệm trước tiên về vấn đề tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống như hiện nay. Có như vậy mới có thể tìm ra được phương thuốc chữa trị phù hợp.
Bùi Văn Thịnh
Nợ ODA ( Official Development Assistance ) vẫn nằm trong giới hạn an toàn
Vào năm 2010 số nợ phải trả có thể lên tới 3 tỷ USD/năm, trong đó nợ ODA khoảng 2 tỷ USD ( cả gốc và lãi ) thì nợ quốc gia cũng mới chiếm 3% GDP, 5% giá trị xuất khẩu và nợ của Chính phủ chiếm 10% ngân sách. Theo kinh nghiệm quốc tế, đó vẫn nằm trong giới hạn “an toàn”. Đó là bình luận của GS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam sau bài viết Làm gì để kiếm 2 tỷ USD/năm ? của tác giả Phương Mai.
Nợ, dù là nợ của Chính phủ phải trả hay nợ của cả quốc gia ( bao gồm cả nợ Chính phủ hay nợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vay mà không có bảo lãnh của Chính phủ ) đều đòi hỏi sự đóng góp ( trực tiếp và gián tiếp ) của người dân để hoàn trả trong tương lai. Do đó, các món nợ này ( hiện khoảng 20 tỷ USD Mỹ và sẽ còn tăng lên trong tương lai ) rất cần được quản lý chặt chẽ, sử dụng với hiệu quả cao nhất
Ở đây, tôi xin chủ yếu nói về vay vốn ODA và vốn nước ngoài khác mà Chính phủ cần thanh toán cả gốc lẫn lãi trong tương lai ( còn vốn các doanh nghiệp vay cũng rất quan trọng nhưng hy vọng sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, vì được sử dụng trong điều kiện “đồng tiền liền khúc ruột”, gắn với sự nghiệp của doanh nghiệp “có chủ rõ ràng
Theo kinh nghiệm của các nước, do bản chất của vốn ODA là vay có thời hạn dài ( thường đến 30 - 40 năm ) , thời gian ân hạn lớn ( khoảng 10 năm không trả vốn vay ), lãi suất thấp ( vay của các nhà tài trợ chính phần lớn chỉ có lãi suất và phí từ 1-3%/năm, thấp hơn nhiều so với vay thương mại, vay nhập hàng trả chậm...). Vì thế, vốn vay ODA hiện nay được chúng ta dùng cho xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống các công trình hạ tầng như giao thông, điện lực, thuỷ lợi... bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế...
Theo tôi, đó là những hướng đúng, nhưng cần được thường xuyên xem xét để việc sử dụng vốn ODA cho đúng hướng. Chẳng hạn, những năm trước, nhiều vốn ODA đã được dùng cho việc xây dựng các nhà máy điện. Tuy nhiên, lúc này để khắc phục nguy cơ thiếu hụt nguồn điện thì nên mở rộng các nguồn đầu tư tư nhân như các hình thức BOT, BT, nhà máy điện độc lập được cổ phần hoá và bán điện cho lưới điện quốc gia.
Lúc này, vốn ODA còn nên được dùng để cho vay lại với chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra nhiều việc làm (chính các doanh nghiệp này trong 5 năm qua đã tạo việc làm cho một nửa số lao động tăng thêm trong nền kinh tế).
Theo tôi, chúng ta tuyệt nhiên không nên dùng và cũng không thể dùng vốn ODA cho các mục tiêu kinh doanh, trực tiếp sử dụng cho các công trình có ý nghĩa kinh doanh (vì các doanh nghiệp phải dùng cơ chế khác, với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cao hơn). Chính vì lẽ đó, tôi không có tài liệu nào minh chứng cho nhận định của tác giả là “Ở cả Tây Âu và các nước Đông Á, tiền viện trợ đã được sử dụng để vực dậy những ngành sản xuất có khả năng xuất khẩu”.
Kinh nghiệm của nước Nhật cho thấy, dù có mức tiết kiệm cao, nhưng sau chiến tranh thế giới II, nước này đã phải vay tiền của Ngân hàng thế giới để xây các công trình đường xe hoả chạy cao tốc mà mãi đến những năm 1990 mới trả hết nợ.
Tôi rất tán thành quan điểm của tác giả cho rằng không thể sử dụng vốn ODA ( và theo tôi cả vốn ngân sách nói chung ) “để xây dựng những “đại công trình” kém hiệu quả” và “đúng là đã đến lúc phải làm một cuộc tổng kiểm toán về vấn đề ( xây dựng các công trình lớn mà hiệu quả thấp ) này”.
Tôi cũng muốn nói về các khoản vay “vốn gián tiếp” như Chính phủ vừa thực hiện để vay 750 triệu USD với lãi suất lên tới 7,1 %/năm. Với lãi cao như vậy thì hiếm có một doanh nghiệp kinh doanh “nghiêm chỉnh” nào dám trả lãi mỗi năm 50 triệu USD, tức là đến khoảng 800 tỷ đồng ( chưa kể sau đó còn phải trả cả gốc vay ).
Tôi nghe nói Chính phủ đã chuyển cho Tổng Công ty tàu thuỷ vay. Nhưng với sự cố “nhỏ” thủng tàu ngay sau hạ thuỷ con tầu 53000 tấn thì lòng tin của người dân bị giảm sút, khi không biết tỷ suất lợi nhuận của “tập đoàn kinh tế này” lớn đến đâu ( nếu theo các thống kê những năm 2002-2004 thì tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các ngành cơ khí vận tải bình quân chỉ là dưới 10% ) ? Có lẽ cũng cần kiểm tra lại vấn đề khả năng trả nợ của tập đoàn này, bởi lẽ, tập đoàn điện, than cũng định dùng “mô hình” tạo vốn có nhiều rủi ro này.
Tôi cũng muốn nói rõ hơn một vài điểm để bổ sung cho lập luận của tác giả, làm cho chúng ta thêm niềm tin có căn cứ khoa học đối với tương lai của dân tộc.
Chẳng hạn, đối với thông tin Việt Nam, tác giả đưa ra những so sánh rất “xúc động”, nhưng chưa thật đúng.
Theo tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2005 của nước ta đã là 648 USD/người, chứ không phải 450 USD/người, hoặc kiều hối hiện đã lên tới 4 tỷ đôla gấp đôi con số mà tác giả đã viết.
Với quy mô GDP hiện nay là tương đương 55 tỷ USD và dự báo với mức tăng trưởng 7,5 - 8%/năm và diễn biến tỷ giá như hiện nay thì GDP năm 2010 khoảng gần 100 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 1000 USD.
Vào thời điểm đó, với mức huy động ngân sách khoảng 20% GDP thì ngân sách có thể chi tới số tiền tương đương 20 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên dưới 15%/năm thì quy mô xuất khẩu 2010 cũng sẽ vượt 60 tỷ đôla.
Như vậy, vào năm 2010 số nợ phải trả có thể lên tới 3 tỷ USD/năm, trong đó nợ ODA khoảng 2 tỷ USD ( cả gốc và lãi ) thì nợ quốc gia cũng mới chiếm 3% GDP, 5% giá trị xuất khẩu và nợ của Chính phủ chiếm 10% ngân sách. Theo kinh nghiệm quốc tế, đó vẫn nằm trong giới hạn “an toàn”.
Tất nhiên, những “dự báo” này đã nói đều dựa trên một giả định là chúng ta phải sử dụng nguồn vốn bên ngoài, vốn ODA sao cho hiệu quả để đạt tới sự tăng tốc theo hướng bền vững nhất và không cho phép để lặp lại những điển hình đen như PMU 18 và cả việc chỉ tiêu hiệu quả đồng vốn rất thấp hiện nay ( tỷ suất vốn ICOR lên tới trên dưới 6 - 7 trong một số năm, tức là để tăng 1 đồng GDP phải cần tới 6-7 đồng đầu tư, còn với khu vực kinh tế nhà nước lại phải dùng tới gần 10 đồng, trong khi 10 năm trước con số này chỉ là dưới 4 đồng ).
Theo tôi, nhân dân ta hoàn toàn có đầy đủ năng lực, Nhà nước và Chính phủ ta hoàn toàn có thể huy động sức mạnh của toàn dân tộc, tận dụng thời cơ mới đang mở ra trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế, tạo nên một sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý nền kinh tế, cải cách hành chính, khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước, nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
GS Nguyễn Quang Thái,

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vốn đối ứng Vốn đối ứng là gì?

TƯ VẤN MUA MỘT DỰ ÁN HỒ CHÍ MINH 2017

Cho vay tiền - Vốn đối ứng - Vay vốn ODA - Giải chấp Đáo hạn - Vay ngân hàng